Doanh nghiệp nhỏ lẻ khó bán hàng vào nhà hàng, khách sạn

(TBKTSG Online) - Các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ lẻ khó tiếp cận, khó bán vào hệ thống các nhà hàng, khách sạn, chào bán sản phẩm cũng chỉ mới tới được khâu thu mua. Đây là câu chuyện được doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, phục vụ du lịch diễn ra chiều 26-9.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung-cầu giữa TPHCM và 45 tỉnh, thành năm 2019 do UBND TPHCM tổ chức, khai mạc sáng nay 26-9.

Bà Thu Nguyễn, đại diện HTX Khởi nghiệp xanh, Vũng Tàu cho biết, mặc dù đã rất nhiều lần giới thiệu nhưng sản phẩm của HTX vẫn chưa vào được bất kỳ nhà hàng, khách sạn nào, khâu chào bán sản phẩm chỉ mới tới được khâu thu mua chứ không tới được kết quả cuối cùng.

Theo đại diện Sở Công Thương Cần Thơ, thực tế đã có được sự hợp tác, đưa hàng của doanh nghiệp vào hệ thống nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, việc hợp tác này, chỉ được thời gian ngắn, sau đó khách sạn, nhà hàng lấy hàng ở nguồn khác, thậm chí ra chợ mua giá rẻ hơn.

Việc ngưng hợp tác, theo vị đại diện này, là do phía nhà hàng, khách sạn làm khó nhà cung ứng, do nhà cung ứng thiếu “bôi trơn”, chi hoa hồng cho một bộ phận nào đó (như quản lý, nhà bếp)…
Về phía nhà hàng, khách sạn, giám đốc một khách sạn tại TPHCM cho biết, cái khó của khách sạn là việc quyết định khối lượng sản phẩm tùy thuộc vào thời điểm, số lượng khách hàng đặt bàn, nên có khi lượng hàng lấy có thể không ổn định, lúc nhiều, lúc ít.

Đồng tình, đại diện khách sạn Đệ Nhất, TPHCM cũng cho rằng, khách sạn sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng, an toàn của doanh nghiệp. Tuy nhiên cái khó của khách sạn là không thể mua số lượng lớn cho tất cả các mặt hàng nên phải nhập hàng qua đầu mối (tiểu thương) thay vì trực tiếp từ nhà cung ứng, nhà sản xuất.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc sở Công thương TPHCM cho biết, những tâm tư, câu chuyện khó của doanh nghiệp sản xuất, của nhà hàng khách sạn cũng là điều mà cơ quan quản lý trăn trở. Theo đó, cuối năm 2018 ba sở gồm Sở Du lịch, Sở Công thương và Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã ký kết liên tịch với mong muốn hỗ trợ, cùng giải quyết những vấn đề liên quan. Một số giải pháp, theo bà Trang là tăng cường sự kế nối, giao thương, về phía khách sạn, nhà hàng cần nâng cao trách nhiệm, chú trọng tới chất lượng thực phẩm kinh doanh, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị các cơ quan quản lý nêu tên trên các phương tiện truyền thông; các nhà sản xuất cũng cần phải chú trọng sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

Nói về chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành, bà Trang cho biết, đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hợp tác kinh tế giữa TPHCM và các tỉnh, thành.

Chương trình Kết nối cung-cầu năm nay có 45 địa phương tham gia, gồm 6/6 tỉnh, thành Đông Nam bộ, 13/13 tỉnh, thành Tây Nam bộ, 17/19 tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên, 9/25 tỉnh phía Bắc với tổng số 2.341 doanh nghiệp. Trong đó, có 1.458 doanh nghiệp cung ứng và 883 doanh nghiệp thu mua, gồm 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 doanh nghiệp suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể trên 500 suất ăn/ngày. Hội nghị năm nay sẽ giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng của 558 doanh nghiệp trưng bày tại 449 gian hàng.

Ban Tổ chức đặt mục tiêu trên 500 biên bản và hợp đồng ghi nhớ được ký kết tại hội nghị lần này. Đồng thời, sau hội nghị, các đơn vị đã có thông tin liên lạc của nhau và sẽ tiếp tục đàm phán, tìm tiếng nói chung, tiến đến liên kết, hợp tác trong thời gian tới đây.

Hội nghị sẽ kéo dài tới hết ngày 29-9.

Vũ Yến
0 Nhận xét