Vì sao hàng loạt cây tỉ đô không ra trái?

Nhiều nông dân mua giống cây trôi nổi trên thị trường nên tỉ lệ cây cho trái chỉ khoảng 60%.

Liên quan đến thông tin một số nông dân ở Tây Nguyên trồng mắc ca nhưng tỉ lệ đậu trái thấp, chưa rõ hiệu quả kinh tế, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết với những hộ dân trồng vườn cây mắc ca từ 5-6 năm trước thì có thể xảy ra thực tế này. Nguyên nhân do trước đây, mắc ca được thông tin là "cây tỉ đô" nên không ít nông dân đổ xô trồng nhưng thời điểm đó, giống cây chưa chuẩn, nhiều người mua giống trôi nổi trên thị trường nên tỉ lệ cây cho trái khoảng 60%.

Điều này lý giải vì sao một số vườn cây mắc ca của nông dân đã trồng 4-5 năm mới bắt đầu ra trái, thậm chí có giống đến 5-6 năm. Trong khi đó, hiện nhiều vùng người dân trồng mắc ca với giống tốt thì từ năm thứ 3 trở đi đã có trái, hiệu quả tốt. Do đó, yếu tố quan trọng nhất khi trồng mắc ca là giống tốt.
Chọn giống tốt là yếu tố hàng đầu giúp cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Phương
GS Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết trước đây có nông dân trồng mắc ca không ra trái vì mua phải giống trôi nổi, giống kém chất lượng trên thị trường. Sau đó, hiệp hội đã đầu tư khoảng 40 tỉ đồng xây dựng vườn ươm cung cấp giống tốt cho nông dân.

Để trồng "cây tỉ đô" có năng suất cao, một yếu tố quan trọng khác cùng với giống là kỹ thuật chăm sóc. Dù mắc ca là loại cây rừng nhưng cũng cần chăm sóc, trong khi đó, theo ông Huỳnh Ngọc Huy, thời điểm đầu người dân đổ xô trồng mắc ca khi cơn sốt về "cây tỉ đô" xuất hiện nhưng lại không đầu tư đúng mức. Sau đó, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mới phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt có gói tín dụng cấp vốn cho hộ nông dân trồng mắc ca bằng… phân bón.

"Ngân hàng sẽ cho vay vốn dưới dạng hợp tác với bên thứ 3 là nhà cung cấp phân bón, để nông dân lấy phân bón đủ và kịp thời nhằm tăng năng suất và hiệu quả của cây mắc ca. Tuy nhiên, rất ít nông dân đồng ý vì họ muốn vay lấy tiền mặt, điều này một phần lý giải vì sao cây mắc ca có thời gian được trồng nhiều nhưng chăm sóc chưa đúng mức nên hiệu quả chưa cao" - một lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kể.

TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng chất lượng cây giống là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến năng suất. Trên thị trường đang có 2 loại giống mắc ca là giống ghép và giống thực sinh (ươm hạt). Theo đánh giá của viện, chỉ có giống ghép mới mang lại sản lượng cao, ổn định. Viện cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loại giống nhưng kết quả không đồng đều, có nhiều cây rất ít quả.

Sau một thời gian lắng xuống, đầu năm 2018, nông dân tiếp tục ồ ạt trồng cây mắc ca. Bằng chứng là hàng chục vườn ươm quanh viện đã bán hết cây giống. Điều mà TS Vinh lo ngại là nhiều vườn ươn bán giống thực sinh và không có nguồn gốc, nếu gặp giống ra ít trái thì thiệt hại vô cùng lớn cho nông dân.

Ông Đặng Hoàng Giang, Trưởng Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC), đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết nếu so với cây điều thì cây mắc ca rất khó tính, muốn canh tác hiệu quả phải hội tụ nhiều yếu tố. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã nhìn nhận được vấn đề và đã có những bước đi thận trọng cũng như khuyến cáo cần thiết về việc phát triển cây trồng này. "Tôi đã đi thực tế nhiều vườn điều trên khắp cả nước và thấy nhiều nơi nông dân đã thử nghiệm trồng xen mắc ca. Nông dân mình rất giỏi, họ biết tính toán xem trồng cây gì và trồng như thế nào để bảo đảm hiệu quả kinh tế nhất trên diện tích mà họ có nên không quá lo việc phát triển tự phát." – ông Giang nhấn mạnh.

Người lao động
0 Nhận xét