Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp".

Người đứng đầu Chính phủ nhận cam kết xóa bỏ những ưu ái công tư, thu hồi nguồn lực đang bị sử dụng lãng phí để phân bổ lại, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.

1h19 phút chiều, phát biểu bế mạc Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tinh thần chuyển lời nói thành hành động, thể hiện bằng chỉ thị số 20 ký ngay tại Hội nghị. Nội dung chỉ thị không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần trong một năm. Với các cuộc thanh tra vi phạm, thanh tra đột xuất... không được mở rộng phạm vi.

"Cần xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, năng lực cạnh tranh cao. Đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn phải có sự an toàn. Không chỉ có chi phí thấp mà còn phải rủi ro thấp. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh tạo ra độ tin cậy cao, vững chắc, để mọi người không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết có kiến nghị đặt tên 2017 là năm giảm chi phí của doanh nghiệp. Nhìn vào thực thế kinh doanh mới thấm thía nỗi niềm của giới kinh doanh.

Báo cáo nghiên cứu "Khảo sát về Môi trường kinh doanh" năm 2017 của Ngân hàng thế giới xem xét nhiều các vấn đề về chi phí kinh doanh nhất chỉ ra rằng chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của VCCI tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 cũng chỉ ra 6 nhóm chi phí đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một là chi phí logistics: Chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn: Chi phí vận chuyển một container hàng từ Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp 2 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Hai là về thuế xuất nhập khẩu: Ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu mởi đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất của các công ty sản xuất bao bì nhựa phải chịu mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 1/2017, việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cầu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Thứ ba là Chi phí vay vốn: Vấn đề nổi lên là rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Theo góc độ của các ngân hàng cho vay, để đảm bảo cho doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.

Thứ 4, Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao gây khó khăn cho các DNNVV. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản chi phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn. Giá thuê mặt bằng là nguyên nhân dẫn đén các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

Thứ 5, Chi phí về lao động: Theo báo cáo "Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016" được tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 14/2/2017, tại Hà Nội cho thấy gần 60% doanh nghiệp lo ngại chi phí nhân công tăng cao tại Việt Nam. So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất.

Việt Nam quy định đóng bảo hiểm ở mức 32,5% mức lương tháng trong đó DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%. Tỷ lệ đóng bảo hiểm giữa DN và người lao động ở Việt Nam cũng khác xa, trong khi nhiều nước quy định doanh nghiệp và người lao động đóng bằng nhau, mỗi bên 50%. Điều đáng nói là với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định thì DN mới có thể tồn tại được, tức là năng suất lao động phải đặt ở mức đủ cao.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức lao động Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore tới 16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Nhưng năng suất lao động thấp rõ ràng không hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.

Thứ 6 là về chi phí không chính thức: Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo PCI 2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2011-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các DN thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét