Cần khung pháp lý đầy đủ hơn cho hộ kinh doanh, không cần thiết phải ép buộc lên thành doanh nghiệp

(TBKTSG) - Gần đây, tôi có dịp tham dự một hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo) được tổ chức tại một cơ sở đào tạo luật và được nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia. Tôi chú ý tới một đề xuất, đó là nên bỏ mô hình hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
Đề xuất này viện dẫn hai lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, theo Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ kinh doanh không phải là cá nhân cũng không phải là pháp nhân nên không được thừa nhận là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Ngoài ra, Thông tư 32/2016/TT-NHNN khẳng định tư cách bên vay trong hợp đồng tín dụng cũng chỉ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Và như vậy, khi tham gia vào các giao dịch dân sự, thương mại, lao động, tín dụng..., chủ sở hữu hộ kinh doanh phải sử dụng tư cách cá nhân để tham gia giao dịch, từ đó dẫn đến sự lộn xộn, phiền toái và dễ gây hiểu lầm (*).

Thứ hai, trong trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ thì rất khó xác định trách nhiệm dân sự của từng thành viên. Thông thường trên thực tế, người ta xác định thành viên của một hộ gia đình dựa vào sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, không hiếm chuyện một người có tên trong hộ khẩu nhưng không sống chung, không cùng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh với gia đình.

Do vậy, rất khó để buộc các thành viên này chịu trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh. Hơn nữa, khi đã biết chính xác số lượng thành viên của hộ gia đình thì việc những thành viên dưới 18 tuổi hoặc thành viên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không cũng chưa có quy định rõ ràng.

Theo tôi, nguyên nhân của những vướng mắc trên xuất phát từ khiếm khuyết của quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, mô hình hộ kinh doanh tồn tại một cách khách quan, có những ưu thế riêng so với các loại hình doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. So với thành lập doanh nghiệp, thành lập hộ kinh doanh đơn giản hơn nhiều về hồ sơ, trình tự, thủ tục, lệ phí thành lập chỉ bằng 50%. Hộ kinh doanh có cơ cấu quản trị đơn giản, sử dụng chủ yếu lao động trong gia đình nên chi phí hoạt động thấp.

Nếu chuyển sang mô hình doanh nghiệp thì phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán thành tự khai, tự nộp thuế và sử dụng hóa đơn; cách thức quản lý sổ sách thay đổi nên cần phải thuê thêm lao động có chuyên môn, làm gia tăng chi phí. Ngoài ra, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, tên của hộ kinh doanh (thương hiệu của hộ kinh doanh đó) có thể bị mất vì buộc phải thay đổi nếu bị trùng với tên doanh nghiệp thành lập trước đó trên phạm vi cả nước.

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 31% GDP (Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 13-10-2018). Vì vậy, để khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm thì cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho loại chủ thể kinh doanh này.

Và như vậy, Dự thảo cần bổ sung quy định, rằng các giao dịch của hộ kinh doanh phải được thực hiện thông qua tư cách cá nhân của chủ sở hữu hộ kinh doanh hoặc đại diện chủ sở hữu hộ kinh doanh (nếu hộ kinh doanh do hộ gia đình hoặc một nhóm người làm chủ).

Trong trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ, dự thảo nên theo hướng chỉ những thành viên gia đình có tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh thì mới phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh; những thành viên dưới 18 tuổi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới.

Ngoài ra, quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong pháp luật hiện hành là rất ít và nằm rải rác ở nhiều văn bản (Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 78/2015...). Dự thảo nên dành hẳn một chương riêng để tạo lập quy chế pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hộ kinh doanh. Điều này cũng góp phần tạo nên địa vị pháp lý bình đẳng giữa hộ kinh doanh với các chủ thể kinh doanh khác (doanh nghiệp tư nhân, công ty, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...).

(*) Theo Bùi Xuân Hải - Những hạn chế, bất cập về đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh và vấn đề hộ kinh doanh “chuyển” thành doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5-2017, tr. 60.

Võ Quốc An
0 Nhận xét