Mở rộng nhanh và nhân sự tăng liên tục, Bách Hóa Xanh đào tạo người mới như nào?

Không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng, tiến nhanh về các tỉnh và đạt doanh thu cao khi mở mới, nhưng Bách Hóa Xanh đang phải đối mặt với một khó khăn khác: nguồn nhân lực lành nghề để đáp ứng nhu cầu của các cửa hàng mới.
Đau đầu bài toán nhân sự mới vì phát triển quá nhanh

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu BHX đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng trưởng tới 260% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống đang tiến nhanh đến mốc 1.000 tỷ mỗi tháng và theo đà đó, cuối năm Bách hóa Xanh sẽ đạt doanh thu vào khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng.

Ông Trần Kinh Doanh - CEO Thế giới Di động cho biết trung bình mỗi tháng chuỗi bán lẻ này tuyển thêm khoảng 1.000 nhân sự mới. Như vậy, số lượng nhân viên được tuyển vào tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng nhân viên tuyển mới sẽ còn tăng liên tục khi theo kế hoạch, đến năm 2020 chuỗi này sẽ mở thêm tới 700 - 1.000 cửa hàng.

Tốc độ phát triển nhanh cùng việc mở rộng chuỗi liên tục khiến Bách hóa Xanh đối mặt với khó khăn do phải tuyển dụng nhân sự số lượng lớn. Bên cạnh nhu cầu về số lượng, làm sao để nhân sự mới rành nghề, hiểu và làm theo quy trình nhanh nhất là bài toán hóc búa. Trong khi đó, mô hình đào tạo kiểu cũ (tập trung tất cả người học vào một nơi để dạy) tỏ ra không hiệu quả bởi không thể đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân sự mới tăng theo cấp số nhân như hiện tại.

Một mô hình, đa lợi ích

Mô hình đào tạo nghề 4.0 ra đời là giải pháp hiệu quả được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ vốn là thế mạnh của Bách hóa Xanh nói riêng và Thế Giới Di Động nói chung. Giả sử trên toàn hệ thống, các nhân viên lành nghề đang làm việc là những người có thể đào tạo, thông tin của những người này sẽ được đưa lên app. Những người mới vào sẽ vào app để tìm kiếm những người đào tạo phù hợp, ở khu vực phù hợp với mình. Người học sẽ phải trải qua 14 kỹ năng khác nhau để được coi là tốt nghiệp và bắt đầu làm thực tế. Trong quá trình đó, họ có thể thay đổi người dạy nếu cảm thấy không phù hợp.
Anh Minh Tuấn - nhân viên mới xem lại bài học trên phần mềm trước khi thực hành
Trái với phương pháp đào tạo truyền thống không đánh giá chất lượng đầu ra, mô hình đào tạo nghề 4.0 cho phép đánh giá từ người thụ hưởng sản phẩm đào tạo. Theo đó, người học sẽ đánh giá người dạy và cấp trên sử dụng lao động mới sẽ đánh giá chất lượng làm việc của người này sau đào tạo. Nếu tốt, nhân viên mới ấy sẽ được nhận vào làm việc chính thức; khi đó người đào tạo nhân viên này sẽ nhận được thư cảm ơn từ siêu thị và được công ty thưởng. Điều này là động lực khiến ai cũng muốn tham gia đào tạo. Mặt khác, khi tham gia đào tạo, tay nghề của người dạy cũng ngày càng được nâng cao hơn. Đây chính là mô hình mang đến động lực và lợi ích đa chiều.
Chị Hồng Yến - Trưởng ca tại Bách hóa Xanh (Hoàng Diệu 2, Thủ Đức) hướng dẫn nhân viên mới sơ chế cá
Sau khi áp dụng thử nghiệm, các cấp quản lý của Bách Hóa Xanh nhận định đây là mô hình đào tạo chủ động và hiệu quả. Đặc biệt đây có thể là lời giải cho bài toán nhân sự khi chuỗi đang bước vào quá trình mở rộng nhanh chóng.

Mỗi khi phải đối mặt với những bài toán hóc búa, Bách hóa Xanh lại cho thấy những giải pháp vô cùng đột phá, và việc đào tạo dựa vào nền tảng công nghệ này là một ví dụ. Đó cũng chính là lý do Bách hóa Xanh thường đi nhanh hơn người ta tưởng.

Theo PV
Tiền Phong
0 Nhận xét