Ngân hàng Nhà nước: Siết chặt hoạt động các công ty tài chính

(TBKTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN qui định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, theo đó công ty tài chính sẽ không được cho vay tiền mặt ồ ạt như hiện nay và cũng không được đòi nợ đối với những tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ.
Dự thảo sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN sẽ siết chặt hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính. Ảnh: InfoMoney.
So với thông tư số 43/2016/TT-NHNN ban hành trước đây thì dự thảo sửa đổi lần này có nhiều điểm khác biệt, quy định rõ ràng hơn và xu hướng siết chặt hoạt động hơn của các công ty tài chính.

Kiểm soát cho vay tiền mặt để hạn chế rủi ro

Theo đó, dự thảo qui định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo qui định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Đồng thời, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Lý do là vì, theo NHNN, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Đó chính là lý do tại Dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN qui định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, NHNN bổ sung qui định về các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Chỉ được đòi nợ “chính chủ”

Một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua đó là việc không ít công ty tài chính đòi nợ theo kiểu đeo bám, thậm chí là mang tính xã hội đen.

Chính điều đó đã khiến không ít người đánh đồng hoạt động của các công ty tài chính như một hình thức tín dụng đen, qua đó làm mất đi ý nghĩa của mô hình này trong việc phát triển tài chính toàn diện cũng như ngăn chặn tín dụng đen.

Cũng chính bởi vậy, một trong những sửa đổi quan trọng nữa đối với Thông tư 43/2016/TT-NHNN là việc bổ sung qui định các công ty tài chính không được “nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính” bên cạnh qui định “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và qui định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng”.

Theo Ngân hàng Nhà nước
0 Nhận xét