Tăng VAT lên 12% tác động gì đến kinh tế Việt Nam?

Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính, Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia kinh tế nhằm đánh giá tác động dự kiến của việc tăng thuế này (nếu được thông qua) đối với nền kinh tế.
TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế độc lập: Tăng thuế GTGT chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân

Thuế GTGT hay VAT là một loại thuế gián thu, tức là doanh nghiệp đóng hộ người tiêu dùng. Tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân.

Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là 9,2 lần; năm 2014 là 9,7 lần. Do vậy, việc tăng thuế sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn.
TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế độc lập
Đối với câu chuyện tác động kinh tế nói chung, có thể thấy GDP = Tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + VAT.

Do đó, tăng thuế này nhìn thoáng qua tưởng chừng như có thể làm tăng GDP trong tức thời nhưng thực tế lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau.

Bởi việc tăng VAT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng theo. Như vậy, thực chất GDP không tăng lên mà thậm chí giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ khó khăn.

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Tăng thuế GTGT không phải là biện pháp duy nhất!

Tăng thuế gián thu là một biện pháp khá phổ biến trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách thiếu hụt nhưng không phải là biện pháp duy nhất.

Việc tăng VAT đồng loạt khi Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu VAT lên chịu VAT, từ mức 5% lên 10% và tăng mức VAT thông thường từ 10% lên 12% sẽ tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cầu tiêu dùng chưa thực sự cải thiện. Như vậy, mục đích tăng ngân sách sẽ không được như ý.

Lúc này, theo tôi phải xem xét lại, điều tiết tái cơ cấu nguồn thu chi. Thậm chí nên giảm thuế để kích thích tiêu dùng, như thế tổng nguồn thu về có thể lớn hơn cả đề xuất trên.

TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello: Tăng thuế gián thu là xu hướng chung của thế giới!

Thế giới đang có xu hướng chung chuyển sang giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển sang thuế tiêu dùng. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đang giảm những sắc thuế trên. Tuy nhiên, khi giảm những cái này thì đồng thời phải tìm nguồn thu khác bù vào, ở đây là thuế gián thu hay còn gọi là VAT.

Phải nhìn kỹ vào đề xuất của Bộ Tài chính, có thể Bộ đang trong lộ trình như thế, cố gắng giảm thuế TNDN và thuế TNCN. Thuế TNDN cần phải giảm để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, còn giảm thuế TNCN là một hình thức để thu hút, giữ chân người tài. Lộ trình dài hơi là như vậy.

Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Mỹ. Hiện họ đang cắt giảm mạnh thuế TNDN cũng như giảm biểu thuế TNCN và bù đắp bằng tăng VAT.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng phải xem xét xem Việt Nam có đang trong xu hướng chung đó không. Nghĩa là đòi hỏi Bộ Tài chính khi tăng VAT phải đưa ra được lộ trình giảm thuế TNDN, thuế TNCN như thế nào, giảm được gánh nặng gì cho doanh nghiệp...

Cần phải đặt câu hỏi như vậy để thúc ép Bộ Tài chính đưa ra một kế hoạch, mục tiêu rõ ràng với chính sách thuế tổng thể vừa cân đối ngân sách, vừa tạo ra được động lực thúc đẩy, thu hút, tạo tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Theo Đức Minh
Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét