Hai nền kinh tế trong một quốc gia và câu hỏi về hiệu ứng lan tỏa.

Gần 30 mươi năm thu hút FDI ở Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua năm 1987, FDI từ chỗ chỉ 0,342 tỷ USD vốn đăng kí năm đầu tiên đến con số 24,373 tỷ USD năm 2016. 30 năm cho một khu vực kinh tế lớn mạnh cũng dấy lên mối quan tâm về “nền kinh tế thứ hai”.
Nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia?

Cụm từ “hai nền kinh tế trong một quốc gia” xuất hiện trong những cuộc tranh luận gần đây về lợi – hại của FDI. Những nghi ngờ này xuất phát từ tình trạng hình thái liên doanh quá ít, số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài gia tăng và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế.

Năng lực liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với vốn nước ngoài được nhiều chuyên gia cho rằng là quá yếu sẽ khiến nền kinh tế bị phân hóa thành hai khu vực độc lập (tư bản trong nước và tư bản ngoài nước) đồng thời bị vốn nước ngoài chi phối.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh), sự lấn lướt của khối doanh nghiệp FDI trong mấy năm qua không tạo ra một sự lan tỏa đáng kể về công nghệ và trình độ quản lý sang doanh nghiệp trong nước như kỳ vọng. Sự thất bại của ngành ô tô và công nghiệp phụ trợ là một ví dụ thường được nhắc tới.

Những chỉ số kinh tế quan trọng của năm 2016 đều đang chỉ ra vai trò ngày càng lớn của khu vực FDI. Tỷ trọng của nguồn vốn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 23,4%. Tỷ lệ này rất cao, cho thấy sự phụ thuộc vào FDI của Việt Nam rất lớn. Chẳng hạn tại Thái Lan, trong giai đoạn thu hút nhiều FDI (1988-1993), tỷ lệ tương ứng đó chỉ có 5%.

Ở chỉ số sản xuất công nghiệp, khu vực FDI chiếm tới 50% giá trị, trong đó dầu khí, điện tử, linh kiện điện tử, thiết bị di động, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều. Khu vực FDI năm 2016 cũng đã đóng góp trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Những con số trên cho thấy khu vực FDI ngày càng lớn mạnh là thực tế. Nhưng những vấn đề trên chỉ nên dừng ở mức “lo ngại” một khi gọi nó là “nguy cơ” thì cũng giống như đặt nguồn vốn này vào đối trọng ngược lại, phủ nhận đi vai trò của FDI trong phát triển kinh tế chung. Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright (Mỹ) đã đánh giá: Thực tế cũng cho thấy “khu vực FDI là động lực tăng trưởng đang được vận hành tốt nhất trong nền kinh tế Việt Nam”.

Có hay không hiệu ứng lan tỏa?

Vấn đề mấu chốt chính là phát hiện sự mất cân đối giữa hai khu vực trên dẫn chúng ta đến câu hỏi, mục đích thu hút nguồn vốn FDI là gì? Chính là kỳ vọng nó đem lại những đổi thay, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Sự kì vọng này được đặt dưới cái tên “hiệu ứng lan tỏa” tích cực.

Doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có thể xem là chất kết dính giữa 2 khu vực FDI và trong nước. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất kết dính này là yếu tố quan trọng để tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Ở các doanh nghiệp liên doanh, quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh hơn, năng suất lao động cũng cao hơn. Tuy nhiên hình thái liên doanh này ngày càng thu hẹp dần ở Việt Nam.

Vậy thì, liệu sự có mặt của các DN FDI có làm bé lại DN nội hay không? Theo GS TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thì trên thực tế, không diễn ra điều đó. Ngược lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được phát triển nhanh hơn ở những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI nhờ 2 nhân tố: thu nhập của một bộ phận dân cư tăng lên nhanh chóng, nên có vốn để thành lập doanh nghiệp; thu ngân sách địa phương tăng nhanh có khả năng hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương với tăng trưởng thần kì những năm qua có thể xem là minh chứng.

Cái mà chúng ta cần thảo luận, hỏi nhau nhiều hơn nữa thực ra là làm sao để tăng cường hiệu ứng lan tỏa tích cực của khối DN FDI? Làm sao để khu vực này hòa chung vào nền kinh tế thúc đẩy các khu vực khác cùng phát triển. Không phải ai lớn hơn ai, mà chúng ta đều lớn!

Theo Linh Bùi
Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét