Nghiên cứu cho thấy, sếp càng "đao to búa lớn" thì khả năng lãnh đạo càng kém.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những ai tỏ ra khiêm tốn lại có thuật quản trị hiệu quả hơn rất nhiều.
Sếp càng đao to búa lớn thì khả năng lãnh đạo càng kém
Tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ xưa nay vẫn được cho là gắn liền với những lời nói tự tin, đao to búa lớn và đầy ngạo mạn. Tuy nhiên hình ảnh này không thuyết phục được các nhà tâm lý học. Theo một bài báo của Ashley Merryman đăng trên Washington Post, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những ai tỏ ra khiêm tốn lại có thuật quản trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Personality and Individual Differences cho thấy những người nhận thức được rằng mình không phải lúc nào cũng đúng và sẵn sàng thay đổi ý kiến nếu thấy hợp lý sẽ ghi điểm cao hơn trong bài test về khả năng ghi nhớ so với những người luôn khăng khăng cho là mình đúng.

Nghiên cứu này gồm 155 người tham gia. Họ phải đọc một danh sách gồm 40 phát ngôn, sau đó làm một bài khảo sát về các chủ đề có trong những phát ngôn ấy (gồm cả một số chủ đề hư cấu nhưng được nói ra như một thực tế). Sau nữa họ đọc một danh sách thứ 2 gồm 60 phát ngôn, và được yêu cầu phải nhận diện phát ngôn nào thuộc danh sách thứ nhất, và phát ngôn nào là mới.

Những người khiêm tốn nhận diện các phát ngôn mới tốt hơn, và những người kiêu ngạo quá tự tin khi cho rằng những câu trả lời sai của mình là đúng.

Trong khi đó, một nghiên cứu gồm 105 CEO đăng trên tập san Journal of Management vào năm ngoái cho thấy những nhà lãnh đạo khiêm tốn có tỷ lệ thay thế nhân viên thấp hơn, mức độ hài lòng của nhân viên cao hơn và hiệu quả hoạt động của công ty mạnh mẽ hơn.

Một lý do được đưa ra để giải thích cho hiệu quả quản lý kém của những nhà lãnh đạo kiêu căng là "hiệu ứng Dunning-Kruger", trong đó cho rằng người ta về cơ bản là quá ngốc nên không thể nhận ra được sự ngu dốt của chính mình.

Jessica Collet, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Notre Dame, giải thích rằng những ai đã trải qua hiệu ứng Dunning-Kruger đều "cảm thấy họ biết chính xác những gì mình đang làm", nhưng trên thực tế "những gì họ biết chưa đủ để họ thấy được mình biết ít đến thế nào".

Như Merryman đã chỉ ra, các nghiên cứu sâu hơn cũng cho thấy những nhà lãnh đạo khiêm tốn sẵn sàng thừa nhận sai lầm của mình và không ngại giao phó trách nhiệm cho người khác, và nhờ thế khiến họ cảm thấy có thêm động lực làm việc.

Bất kỳ ai đã từng phải làm việc với một cấp trên ngạo mạn sẽ không hề cảm thấy ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này. Những người làm công việc quản lý hay giữ vị trí lãnh đạo nếu luôn vênh vang tự đắc sẽ không thể nhận ra được sai lầm của mình và vì thế không thể học được điều gì mới; họ rất dễ nổi nóng khi phải đối mặt với các vấn đề và rất khó hợp tác làm việc. Trong khi đó những người khiêm tốn lại đánh giá chính xác hơn về khả năng của mình và rất cởi mở với những ý tưởng mới.

Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng những người ngạo mạn thực sự thường không có khả năng nhận ra những mặt trái của sự tự tin thái quá. Và tất nhiên, một số người thậm chí còn không thể nhận ra được là mình đang quá tự tin.

Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét