"Kình ngư" Michael Phelps kiếm tiền giỏi như thế nào?

Hiện tại, theo Celebrity Net Worth, VĐV 31 tuổi này có tổng tài sản khoảng 55 triệu USD. Nguồn thu quan trọng nhất của Phelps là đến từ các nhãn hàng mà anh làm gương mặt đại diện hoặc nhận tài trợ.
Có một câu chuyện khá thú vị về đội tuyển bơi lội nam Mỹ khi họ thi đấu ở nội dung 4x200m tiếp sức tự do. Lúc chuẩn bị đến lượt của mình, chiếc mũ bơi của siêu sao Michael Phelp bị rách, buộc anh phải quay sang mượn đồng đội Conor Dwyer. Thật ra, sự việc đó chẳng có gì ầm ĩ, nếu chiếc mũ của Conor không được tài trợ bởi Speedo, thương hiệu mà Phelps đã “phản bội” để chạy theo Aqua Sphere sau Olympic London 2012.

Sự việc đó khiến nhãn hàng Aqua Sphere được 1 phen muối mặt, chưa nói đây là kỳ Olympic đầu tiên họ xuất hiện cùng Phepls. Todd Mitchell, Giám đốc marketing của Aqua Sphere chống chế: “Tất nhiên, đó không phải là khoảnh khắc trong mơ của bạn. Sự thật là, chiếc mũ đó không làm từ silicone, nên chuyện nó bị rách cũng có thể xảy ra”. Còn Speedo thì hả hê: “Cuộc thi tiếp sức là cơ hội để các VĐV thể hiện tình đồng đội hơn bất cứ nội dung nào khác. Thật hay khi Conor có thể cho Michael mượn mũ khi tới lượt của anh ấy”.

Có vẻ, dù Phelps đã bỏ mình chạy “theo duyên mới” song Speedo không dám mỉa mai anh mà chỉ dám nói chung chung. Bởi, họ biết, dù như thế nào thì VĐV 31 tuổi này vẫn là con cưng của nước Mỹ, gương mặt đại diện vàng của nhiều nhãn hàng khác; đụng tới anh là đụng tới ổ kiến lửa.

Dù không phải là vận động viên giàu nhất Olympic, danh hiệu đó thuộc về Serena Williams, tay vợt da màu có tổng tài sản lên đến 145 triệu USD; nhưng chắc chắn Michael Phelps là người kiếm tiền giỏi nhất Olympic. Nguyên do: Anh là vận động viên duy nhất không thi đấu thường xuyên, nhưng vẫn lọt vào danh sách top 8 VĐV giàu nhất thế vận hội năm nay. Trong top 8, ngoài các VĐV quần vợt, còn có Kevin Durant (bóng rổ) và Sergio Garcia (golf); mà bóng rổ và goft có nhiều giải đấu diễn ra quanh năm. Anh kiếm tiền giỏi chẳng kém gì bơi!

Hiện tại, theo Celebrity Net Worth, VĐV 31 tuổi này có tổng tài sản khoảng 55 triệu USD. Nguồn thu quan trọng nhất của Phelps là đến từ các nhãn hàng mà anh làm gương mặt đại diện hoặc nhận tài trợ. Một nguồn thu nữa là từ chính phủ Mỹ nhờ số lượng huy chương khổng lồ mà anh sưu tập được qua các kỳ Olympic, Vô địch thế giới hoặc Pan Pacific; 3 giải đấu chính mà anh thường tham gia.

Với tài năng nở sớm, anh đã được nhiều nhãn hàng chú ý từ năm 15 tuổi. Nhưng, phải sau khi có một mùa Olympic đại thành công ở Athens năm 2004 với 6 huy chương vàng, 2 đồng và thiết lập 4 kỷ lục mới, Phelps mới trở thành “cục cưng” của các công ty lớn nhỏ trên khắp thế giới. Theo GazetteReview: “Sau Olympic Bắc Kinh, mỗi năm, Michael kiếm được tầm 7 triệu USD từ các nhà tài trợ và nhãn hàng mà anh làm đại diện chính”. Nhưng đó chưa phải là tất cả, sau Olympic London, thu nhập hàng năm của anh từ quảng cáo đã lên tới 12 triệu USD/năm.

Dù đã lớn tuổi, song Phelps vẫn giữ được phong độ đỉnh cao, 3 huy chương vàng anh vừa giành được ở Olympic Rio là một minh chứng tiêu biểu; thế nên, anh vẫn có thể tiếp tục thu hút các nhãn hàng lớn đến với mình. Phelps vừa ký hợp đồng làm gương mặt đại diện cho một loạt cái tên khủng sau: Under Armour Inc (quần áo và dụng cụ thể thao), Omega, Master Spas, Sol Republic (headphones) và Aqua Sphere. Trước đây, Phelps đã đồng hành cùng Visa Inc, Subway, Wheaties, Louis Vuitton, Head & Shoulders.

Nhiều hợp đồng không được các nhãn hàng tiết lộ chi tiết, song nhiều cái khác thì có, ví dụ của Under Armour. Phelps chính là con át chủ bài để Under Armour bắt kịp 2 cái tên lừng lẫy adidas cùng Nike, thế nên họ không ngừng ngại trả cho anh 5 triệu USD. Cuối năm 2015, Phelps cũng từng ký hợp đồng với 888razors.com, theo đồn đoán, anh không chỉ trở thành người phát ngôn của nhãn hàng chuyên về kem và dao cạo này, mà còn góp cổ phần. Speedo, nhà tài trợ dụng cụ bơi chính của anh trước đây, cũng chi khá bạo. Sau Olympic thành công nhất trong sự nghiệp: Bắc Kinh 2008, anh được họ thưởng thêm 1 triệu USD.

Trước Olympic Rio, siêu kình ngư này đã kiếm được tầm 1,8 triệu USD từ các thành tích mà mình giành được. Ngoài lương cơ bản hàng năm mà chính phủ trả cho anh 113 ngàn USD; thì mỗi Huy chương vàng Olympic, Phelps được thưởng 25 ngàn USD, Huy chương bạc 15 ngàn USD và Huy chương đồng là 10 ngàn USD. Cho tới thời điểm hiện tại, anh đã giành được tổng cộng 37 Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng tại Olympic, Word và Pap Pacific Championship. Năm 2008 là năm bội thu khi anh kiếm về được tầm 200 ngàn USD tiền thưởng nhờ 8 huy chương vàng đoạt được tại Bắc Kinh.

Sau Olympic 2012, Phepls đã tuyên bố giải nghệ, nhưng 2 năm sau, anh lại hủy bỏ ý định. Có lẽ, một trong những nguyên nhân quan trọng là anh vẫn còn muốn kiếm nhiều tiền. Bởi, chẳng ai lại muốn hợp tác với một người đã nghỉ hưu, dù kẻ đó từng là “độc cô cầu bại” trên làn đua xanh.

Theo SA MỘC
NDH
0 Nhận xét