Sở hữu trí tuệ, phải chăng là vấn đề quá nan giải!?

Cách đây chưa lâu, một phần mềm trí tuệ do anh sáng tạo viết nên đã bị kẻ khác bẻ khóa rồi ăn cắp bản quyền. Anh đã phải vào cuộc xử lý để đòi lại sự công bằng cho mình. Suốt quá trình đó, xin hỏi anh cảm nhận như thế nào về cảm giác bị xâm hại sở hữu trí tuệ?

Trả lời:
Tôi sáng lập ra Dân Trí Soft chuyên về phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm tính tiền dành cho các cơ sở kinh doanh nhỏ với 2 phiên bản, phần mềm tính tiền miễn phí vĩnh viễn và phần mềm bản quyền. Sau hơn 1 năm hoạt động, Dân Trí Soft được hơn 15.000 người dùng trên toàn quốc. Và cách đây hơn 2 tháng, trên thị trường có người bẻ khóa (crack) phần mềm và tung bán phần mềm crack này. Điều đó đã gây ảnh hưởng người sử dụng Dân Trí Soft và tác động xấu đến tình hình kinh doanh của chúng tôi.

Khi phát hiện kẻ xấu bẻ khóa phần mềm, ngay lập tức Dân Trí Soft điều chỉnh lại giải pháp kỹ thuật với việc cấp KEY bản quyền và ra phiên bản cập nhật mới với người dùng và không cách nào khác phải chấp nhận thực tế phiên bản cũ bị crack.

Tiếp đến, đích thân tôi đã liên hệ qua với địa chỉ facebook, youtube của người (hay tổ chức) crack phần mềm với tinh thần thiện chí, mong muốn học hỏi, hợp tác cùng phát triển như đề nghị trở thành đối tác và đề nghị không phát tán bản crack nữa. Nhưng kết quả thì không như mong muốn, chúng tôi không nhận được phản hồi tích cực.

Sau 2 hành động trên, tôi nhờ các tổ chức doanh nhân mà tôi là thành viên để có nhứng phát ngôn bảo vệ quyền lợi hội viên như YBA BRVT, tổ chức Vietnam Business Matching (VBM). Thông qua các tổ chức này thông tin bị phá hoại sở hữu trí tuệ về phần mềm của tôi cũng được thông tin đến các cơ quan nhà nước đảm trách, nhưng không hiểu vì sao, vụ việc cũng chìm xuồng mà cơ quan chức năng không đả động đến, phải chăng lĩnh vực trí tuệ này chẳng có giá trị gì!?

Và tôi có người bạn chuyên về mảng báo chí, người bạn tôi đã kết nối và gửi bài của tôi đến các tòa soạn. Thì bài viết của tôi về vấn đề sở hữu trí tuệ này được 3 báo đăng bài gồm báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (VCCI), Thời Báo Kinh Tế Việt Nam và báo Thương Hiệu & Công Luận.

Việc crack phần mềm tại Việt Nam khá phổ biến, như của Microsoft là hệ điều hành Windows, ứng dụng văn phòng Microsoft Office… cũng bị crack, do đó chúng tôi hiểu việc Dân Trí Soft bị crack cũng là điều dễ hiểu. Hiểu việc này, để chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, rồi đưa ra phương pháp quản trị “sự phá hoại” ấy. Chúng tôi luôn cảm ơn những người có thiện chí tốt, chỉ điểm các điểm yếu trong phần mềm, giúp chúng tôi phát triển ngày hoàn thiện hơn. Chúng tôi cũng quyết liệt đến tận cùng để xử lý những kẻ chuyên đi phá hoại công sức, trí tuệ của người khác.

Đến nay, sự việc đã được giải quyết như thế nào rồi, thưa anh?

Trả lời:
Sau khi có giải pháp về kỹ thuật thì đến nay “dường như” phiên bản này chưa bị crack, nhưng không có nghĩa là sẽ không bị crack cho lần tiếp theo.

Báo chí đã vào cuộc, cộng đồng đã lên tiếng và thông tin này dĩ nhiện cá nhân (hay tổ chức) crack phần mềm Dân Trí Soft đều tiếp nhận, do đó, họ (đối tượng crack) đã xóa các tài khoản facebook, youtube và đi vào hoạt động “bí mật hơn”, nên đến giờ chúng tôi không phát hiện sự phát tán bản crack này nữa.

Nếu có thể khởi động lại sản phẩm từ đầu, anh sẽ có những hành động gì khác nhằm bảo đảm không để xảy ra chuyện đó?

Trả lời:
Tôi xin nhắc lại quan điểm “Việc crack phần mềm tại Việt Nam khá phổ biến, như của Microsoft là hệ điều hành Windows, ứng dụng văn phòng Microsoft Office… cũng bị crack, do đó chúng tôi hiểu việc Dân Trí Soft bị crack cũng là điều dễ hiểu. Hiểu việc này, để chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, rồi đưa ra phương pháp quản trị “sự phá hoại” ấy. Chúng tôi luôn cảm ơn những người có thiện chí tốt, chỉ điểm các điểm yếu trong phần mềm, giúp chúng tôi phát triển ngày hoàn thiện hơn. Chúng tôi cũng quyết liệt đến tận cùng để xử lý những kẻ chuyên đi phá hoại công sức, trí tuệ của người khác.”

Do đó, việc quản trị “sự phá hoại” ấy là liên tục đổi mới sáng tạo để tạo ra các phiên bản cập nhật (update) để vá lỗi hay đổi phương thức cấp KEY bản quyền. Và bước tiếp theo, Dân Trí Soft đang hoàn thiện phiên bản phần mềm quản lý bán hàng chạy trên nền tảng website và app ứng dụng. Với giải pháp điện toán đám mây thì khả năng crack phần mềm giảm xuống gần như là con số 0, vì hệ thống máy chủ sẽ tự động phát hiện phần mềm crack. Tuy nhiên, giải được bài toán này sẽ phát sinh ra nhiều bài toán khác phức tạp hơn để chống phá những kẻ “ăn cắp sở hữu trí tuệ” hay kẻ phá hoại.

Theo anh, tại sao đa phần các bạn trẻ, các đơn vị làm phần mềm như anh, từ đầu đã không làm như vậy?

Trả lời
Tôi nghĩ vì nguồn lực có hạn, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân sự, nguồn lực pháp lý, nguồn lực cơ sở hạ tầng, nguồn lực về tri thức… chưa cho phép. Nhiều lúc, chúng tôi hiểu cần làm điều đó, nhưng không đủ nguồn lực nên cũng phải chấp nhận với giải pháp nghĩ rằng đang tối ưu của hiện tại.

Trở ngại mà anh nghĩ phải đối mặt, khi tiến hành những phần việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, là gì?

Trả lời:
Tôi có câu chuyện này “Tại đất nước Singapore nổi tiếng về sự sạch sẽ, nếu  bạn vứt rác ra đường dù chỉ là mẩu kẹo cao su, bạn có thể bị phạt rất nặng bằng tiền có chế tài cụ thể. Thế nhưng, cái quan trọng nhất là nếu bạn vứt rác ra đường bạn sẽ thấy có hàng trăm đôi mắt nhìn vào bạn như là “con quái thú” tại đất nước Singapore tươi đẹp”. Tôi muốn nói về xã hội. Một xã hội xem điều trái với đạo đức, trái với quy luật tự nhiên là “con quái thú” thì xã hội đó là văn minh.

Dĩ nhiên, để đạt điều trên cần sự nỗ lực của tất cả mọi người. 
Doanh nghiệp thì cần có nội lực để tự bảo vệ bản thân. 
Nhà nước thì cần có khung pháp lý và thực thi pháp lý cho chuẩn, cho công bằng. 
Điều mà tôi thường gọi là cần Khai Dân Trí liên tục và liên tục.

Vậy với những sản phẩm và hoạt động sau này, anh đã thật sự rút ra kinh nghiệm cần thiết cho mình?

Trả lời:
Tôi xin nhắc lại quan điểm, để tồn tại và phát triển với sự nghiệp kinh doanh thì cần:
- Một là, doanh nghiệp tự trang bị nội lực đủ mạnh để bảo vệ thành quả, để vượt khó.
- Hai là cần có khung pháp lý và thực thi pháp lý minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thực trạng.
- Và ba là, cần tạo dựng môi trường kinh doanh tử tế. Người tử tế phải biết cách đoàn kết, hợp tác với nhau, để cùng nhau “dùng ánh sáng tử tế đẩy lùi cái xấu xa của bóng tối”.

Anh có thể chia sẻ một thông điệp từ vụ việc của mình, cho những người sáng tạo khác?

Trả lời:
Người Việt Nam rất giỏi nhưng một bộ phận người giỏi đó không tập trung sáng tạo, phát triển cái có ích cho cuộc sống mà chỉ mong muốn “làm giàu trên mồ hôi của người khác”, tức là “ăn cướp”. Đó không chỉ là riêng lĩnh vực công nghệ thông tin và còn nhiều ở các lĩnh vực khác. Điều tệ hại nhất, là xã hội đang nghĩ đó là điều bình thường, nó thể hiện sự vô cảm.

Qua câu chuyện này, tôi mong muốn các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam hiểu rõ về thị trường, để không phải bất ngờ hay thất vọng. Vì chỉ khi thật sự hiểu rõ về nó, bạn mới không sợ nó, sợ “sự ăn cướp ấy”, bạn sẽ tìm ra cách để bảo vệ mình.

Với người kinh doanh chân chính, tự lực tự cường, thì chỉ cần nhà nước ban hành pháp luật hợp với thực tiễn, công khai và hơn hết là thực thi pháp luật chuẩn, công bằng. Còn những khó khăn của riêng mỗi doanh nghiệp thì người chủ phải tự giải quyết nó, nếu không giải quyết được thì nên làm thủ tục giải thể hay phá sản, đừng có khởi nghiệp nữa vì “khởi nghiệp và sạt nghiệp gần nhau lắm”.

Cảm ơn anh.

Bài phỏng vấn anh Cao Trung Hiếu.
Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft.

0 Nhận xét