Thương hiệu cá nhân: Tấm thẻ VIP quyền lực của doanh nhân

Thương hiệu cá nhân là nơi sự kết nối về cảm xúc giữa con người và con người được tìm thấy, hỗ trợ đắc lực cho công việc kinh doanh hơn bất cứ chiến dịch marketing ngắn hạn nào.
Nguyễn Thuỳ Dương (Milena Nguyễn) đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân từ khi còn là sinh viên
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cá nhân hay còn gọi là nhân hiệu trong những năm qua đã được nhắc đến khá nhiều bởi nó có một sức mạnh rất lớn, được ví như tấm thẻ VIP quyền lực của người chủ doanh nghiệp.

Như nhà sáng lập Soulful Garden Nguyễn Thuỳ Dương (Milena Nguyễn), người không ít lần góp mặt tại các buổi nói chuyện truyền cảm hứng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có ba lần nói chuyện ở TEDx Asia từng chia sẻ: “Nhiều người không nhớ đến tên công ty tôi mở ra và tôi cũng chẳng cần họ nhớ về điều đó bởi thương hiệu của cá nhân tôi đã mạnh rồi”.

Thuỳ Dương sáng lập và làm giảng viên chính của Soulful Garden Yoga & Wellness tại Việt Nam vào năm 2014. Đến đầu năm 2017, khi trung tâm về thiền và yoga của cô vẫn đang vận hành rất thuận lợi, cô quyết định đóng cửa để trở thành nhà huấn luyện cuộc đời (life coach) chuyên nghiệp. Dương cho biết nhờ thương hiệu cá nhân vốn có được bắt đầu gây dựng từ thời sinh viên, cô được mọi người ủng hộ và hào hứng chờ đợi những sản phẩm, dịch vụ cô mang lại.

Theo đó, nếu có được một nhân hiệu mạnh thì cho dù kinh doanh trong mảng nào, mô hình kinh doanh ra sao, chủ doanh nghiệp vẫn luôn nhận được sự trung thành từ cộng đồng khách hàng của mình, thậm chí còn giúp lan toả thương hiệu. Sự trung thành trong cộng đồng đó giúp họ chuyển đổi công việc kinh doanh một cách dễ dàng mà không cần quá lo lắng đến việc tìm kiếm khách hàng, làm thị trường…

“Người ta chẳng quan tâm quá mức bạn bán cái gì mà quan trọng là người ta muốn theo bạn”, Thuỳ Dương nói.

Chẳng hạn, cô hứng thú với tất cả những sản phẩm, dịch vụ do Richard Branson, nhà sáng lập của Virgin Atlantic Airways cung cấp. Cô nhấn mạnh, nếu giả sử ngày mai Virgin Atlantic Airways có đóng cửa thì Richard Branson vẫn có thể khiến cô hứng thú với những sản phẩm mới mà ông đưa ra thị trường.

Tương lai của xây dựng thương hiệu là hướng đến cá nhân

Người được xem là bậc thầy về thương hiệu cá nhân Dan Schawbel đã định nghĩa: “Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình mà cá nhân/doanh nhân làm khác biệt mình sao cho nổi bật lên giữa đám đông thông qua việc xác định và trình bày các tuyên ngôn giá trị độc đáo về chuyên môn hoặc cá nhân; và sau đó truyền thông các thông điệp và hình ảnh nhất quán để đạt được một mục đích cụ thể. Bằng cách này, các cá nhân sẽ được nâng cao sự ghi nhận như là các chuyên gia trong lĩnh vực của họ, làm nên danh tiếng và sự tín nhiệm, thúc đẩy sự thăng tiến trong nghề nghiệp và xây dựng sự tự tin”.

Rõ ràng người ta sẽ chỉ nói đến sự trung thành với thương hiệu mà chẳng bao giờ có thuật ngữ trung thành với chiến dịch marketing, trung thành với việc bán hàng của ai đó... Marketing theo Thuỳ Dương là hành động mang hình ảnh, sản phẩm và dịch vụ ra công chúng, giúp việc kinh doanh sinh sôi, tăng trưởng.

Còn điểm nổi bật trong thương hiệu là hình thành các mối quan hệ. Làm thương hiệu có nghĩa là đang tạo ra những cảm xúc của kết nối, cảm xúc của các mối quan hệ giữa cá nhân chủ doanh nghiệp với công chúng, hoặc thậm chí là giữa công chúng với nhau thông qua sợi dây kết nối là thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp đó.

“Nhân hiệu mạnh giúp khách hàng gắn bó mật thiết, chặt chẽ với sản phẩm của bạn vì họ có mối quan hệ thân thiết với thương hiệu của bạn. Đó là lý do vì sao chúng ta có trung thành với thương hiệu, vì nó có kết nối”, Thuỳ Dương nhận định.

Một nhân hiệu mạnh cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác marketing. Nếu thương hiệu đã mạnh, chủ doanh nghiệp có thể không cần tiêu quá nhiều tiền bạc và sức lực vào các chiến dịch marketing nhờ sự trung thành sẵn có từ khách hàng.

“Mọi người chọn dịch vụ, sản phẩm của bạn thay vì chọn sản phẩm của người khác bởi nó là của bạn”, Thuỳ Dương nói. Điều này có nghĩa là chưa cần tính đến chất lượng ra sao, liệu có sự khác biệt lớn nào giữa sản phẩm của A và B nhưng nhờ hai chữ “của A” nên A chiến thắng.

Làm thương hiệu cá nhân còn mang tính dài hạn bởi xây dựng một mối quan hệ luôn tốn rất nhiều thời gian mà không thể thấy được kết quả ngay trong khi marketing lại mang tính ngắn hạn hơn.

Thuỳ Dương cho rằng, tương lai của làm thương hiệu là hướng đến cá nhân, thương hiệu kết nối cảm xúc từng cá nhân. Bởi lẽ: “kết nối cảm xúc giữa người với người sẽ dễ hơn là kết nối cảm xúc với một cái máy tính hay một chiếc ô tô. Đó là lý do vì sao Steve Job có nhiều lượt theo dõi hơn Apple. Nhiều người thích các sản phẩm của Apple chỉ đơn giản vì họ có kết nối với Steve Job”.

Nhấn mạnh là doanh nghiệp cần cả marketing và thương hiệu, hai yếu tố này cần mang tính tương hỗ. Một cách làm sai là chỉ chăm chăm làm marketing mà quên xây dựng thương hiệu. Cách làm sai khác là tập trung xây dựng thương hiệu quá mà không đầu tư đúng mức cho marketing. Vậy mới có tình trạng nhiều người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội với hàng triệu lượt theo dõi nhưng không tạo được nhiều thu nhập từ công việc tự do của mình.

Nhân hiệu không đơn giản là những thứ hoàn hảo được mang ra công chúng

Theo Thuỳ Dương, thương hiệu cá nhân không đến từ vẻ bề ngoài, từ những bức ảnh được chỉnh sửa hoàn hảo đăng trên mạng xã hội, những điều hoàn hảo được thể hiện ra bên ngoài bởi thương hiệu cá nhân tạo các mối liên kết về cảm xúc.

Đó là lý do vì sao có những cô gái rất xinh, ăn mặc “chất” nhưng mãi mang mác “hot girl” trong khi có những người nhờ thần thái, nhờ những giá trị và kết nối với công chúng mà được hàng loạt hãng thời trang hàng đầu thế giới săn đón, khi ra mắt thương hiệu thời trang của chính mình thì được công chúng hết lòng chờ đợi và ủng hộ.

Vì vậy, xây dựng nhân hiệu cần bắt đầu từ bên trong, là khi một người bắt đầu hỏi chính mình thông điệp nào mà người đó thực sự khao khát và đam mê chia sẻ. Đồng thời, phải trả lời được câu hỏi tại sao đam mê chủ đề đó như vậy.

Để trả lời được câu hỏi tại sao, cần có câu chuyện đặc biệt, liên quan đến trải nghiệm của cá nhân, câu chuyện khởi nguồn của đam mê. Kể chuyện (story telling) là một công cụ có sức mạnh rất lớn để kết nối.

Chẳng hạn với Thuỳ Dương, câu chuyện của cô là vươn mình, vượt qua tất cả chuẩn mực, khuôn khổ và cả bất an để là chính mình, sống cuộc đời cô mong muốn, để sống và tự do như một bông hoa cô gặp trên đường trở về nhà sau một ngày dài hoàn thành công việc nhưng chính cô lại không có cảm giác được hoàn thành, không có cảm giác của sức sống.

Hình ảnh bông hoa tác động mạnh mẽ đến Dương, khiến cô đưa ra quyết định thay đổi hoàn toàn định hướng công việc. Cô bắt đầu viết, làm video, dạy và truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ vì cô tin rằng để được chữa lành, phụ nữ cần được thức tỉnh và truyền động lực, sức mạnh.

Tiếp đến, phải tự hỏi chính bản thân mình để tìm ra điểm khác biệt của mình so với những người khác, điều khác biệt nhưng từ lâu bị cất dấu mà chưa hoàn toàn được tận dụng. Việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian, và thậm chí phải đấu tranh cho sự tồn tại của cái khác biệt đó.

Sau khi đã có thông điệp, câu chuyện và giá trị khác biệt, cần nhớ một điều rằng làm thương hiệu cá nhân là tạo ra giá trị. Cách tốt nhất để mang lại giá trị cho công chúng, theo Thuỳ Dương, là phải tạo nội dung thông qua bài viết, video, ảnh, bài diễn thuyết... Ngoài ra, khi đã xây dựng được thương hiệu, không để nó là một thương hiệu đơn thuần, mờ nhạt mà phải để nó có màu sắc, có cảm xúc.

Cũng cần tìm hiểu đâu là khán giả, khách hàng của thương hiệu, họ thường tập trung ở đâu, làm thế nào để tập hợp và kết nối họ với cá nhân chủ doanh nghiệp và kết nối họ với nhau. Phải tạo được cộng đồng.

Và cuối cùng là phải biết dẫn dắt bởi thời điểm quyết định bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân, kể cả khi chưa thành lập doanh nghiệp, cũng chính là thời điểm một người đặt mình trong tình thế của người lãnh đạo, người truyền cảm hứng cho những người khác.

Thương hiệu là thứ có thực, là điều được xây dựng để làm kinh doanh. Chính vì vậy, cần có kết nối cảm xúc, chia sẻ câu chuyện, hành trình, không chỉ là thành công mà còn những khó khăn, thử thách. Thương hiệu phải truyền cảm hứng, mang lại sức mạnh cho công chúng chứ không chỉ là thứ để trưng bày. 

Đặng Hoa
TheLEADER
0 Nhận xét