Không gì hơn môi trường cạnh tranh lành mạnh

(TBKTSG) - Chỉ cần nhìn lại một ngành sản xuất điện thoại di động trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, chúng ta cũng đã rút ra được nhiều bài học đắt giá. Nước Mỹ hầu như không tự làm ra chiếc điện thoại di động nào cả. Apple chỉ lo thiết kế rồi thuê Foxconn làm để đem đi bán khắp thế giới. Google cũng vậy, ngoài việc khuyến khích các hãng khác sử dụng hệ điều hành Android của mình, Google cũng nhiều lần thuê nhiều hãng khác nhau làm điện thoại di động cho mình.
Muốn xây dựng kinh tế tư nhân mạnh không gì hơn là theo đuổi các chính sách tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Ảnh: THÀNH HOA
Thế nhưng điều ít ai ngờ là cả thị trường điện thoại to lớn hiện nay, gần như tất cả phải phụ thuộc vào phần mềm do Apple và Google phát triển. Chiếc iPhone thì khỏi nói, Apple đã xây dựng một hệ sinh thái trói chặt người dùng vào hệ điều hành iOS của họ. Android mang tiếng là hệ điều hành mã nguồn mở, nhưng thật ra Google đang nắm toàn quyền sinh sát trong tay mà trường hợp Huawei là một minh chứng. Vậy nên bất kỳ nước nào trên thế giới cũng có thể nhảy vào sản xuất phần cứng chiếc điện thoại nhưng cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào hai doanh nghiệp tư nhân Mỹ về phần mềm.

Nước Mỹ không có những chính sách công bố rõ ràng về việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân nhưng chính họ đã gián tiếp tạo ra một môi trường để các doanh nghiệp như Apple hay Google lớn mạnh.

Đầu tiên, đó là cương quyết duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi Microsoft quá mạnh, ứng dụng Internet Explorer bán kèm Windows của họ chèn lấn không cho ai nhảy vào cạnh tranh, Chính phủ Mỹ ngay lập tức kiện Microsoft ra tòa về tội độc quyền trái phép. Ngày nay, trong giới làm chính sách Mỹ đang có những lập luận đòi chẻ nhỏ Google hay Facebook để tránh cảnh quá lớn không ai cạnh tranh nổi. Có cạnh tranh doanh nghiệp mới liên tục cải tiến để trụ lại trên thị trường.

Thứ hai, không có chuyện ưu ái doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia hay sử dụng trợ cấp nhà nước vô tội vạ. Huawei của Trung Quốc rơi vào thế khó hiện nay phần nào cũng do bị cáo buộc được nhà nước tài trợ, không công bằng với doanh nghiệp khác.

Thứ ba, nước Mỹ từng có chính sách nhập cư thông thoáng nên thu hút người tài về cho mình. Tổng giám đốc hiện thời của Google, Sundar Pichai và Satya Nadella của Microsoft là người Ấn Độ. Các chính sách khác, như nhấn mạnh quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trong mọi thương thảo quốc tế, giúp Mỹ gặt hái thành quả của một quá trình toàn cầu hóa tinh vi khi buộc thế giới sản xuất hàng cho mình xài, còn doanh nghiệp mình nắm những công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất.

Với những nước đang phát triển như Việt Nam, muốn xây dựng kinh tế tư nhân mạnh không gì hơn là theo đuổi các chính sách tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, kiên quyết xóa bỏ “sân sau”. Chừng nào khái niệm doanh nghiệp thân hữu còn phổ biến, chừng đó chưa thể có doanh nghiệp tư nhân bền chắc. Cũng không cần và không nên ưu ái chuyện thuế, đất đai vì các chính sách như thế có khả năng làm méo mó năng lực cạnh tranh. Chỉ cần thúc đẩy nền giáo dục phát triển thực chất, đừng chạy theo thành tích, để đào tạo người tài thật sự thì lúc đó nguồn nhân lực cho nền kinh tế mới được bảo đảm. Quan trọng hơn, Nhà nước phải đi đầu trong trọng dụng nhân tài từ đó mới tạo động lực cạnh tranh để tiến thân, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư vì cạnh tranh là chìa khóa phát triển cho cả cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia.

Nguyễn Phan
Theo Saigontimes
0 Nhận xét