PwC: Thanh toán di động tại Việt Nam tăng nhanh nhất

Thế giới đang ít dần tiền mặt nhờ vào thanh toán kỹ thuật số. Trong bối cảnh ví điện tử ngày càng phổ biến, các nước như Việt Nam đang chuộng thanh toán điện tử hơn là dùng tiền mặt.
Theo khảo sát Global Consumer Insights Survey của PwC, số lượng người thanh toán di động tại các cửa hàng đang tăng nhanh nhất tại Việt Nam. Tỷ lệ này đã tăng 24% chỉ trong một năm, đạt 61%.

Ở Trung Đông, tỷ lệ khách hàng thanh toán di động tăng 20%, đạt 45%, và trên thế giới con số này đạt 34% so với 24% năm trước đó.

Kết quả khảo sát cho thấy các dịch vụ thanh toán di động cũng đang được đón nhận rộng rãi, đặc biệt tại các khu vực mới nổi bỏ qua điện thoại cố định để đi thẳng tới điện thoại cố định và điện thoại thông minh. Ngoài ra, Trung Quốc là nước dẫn dầu với 86% dân số sử dụng thanh toán di động, tiếp đến là Thái Lan với 67%.

Cuộc khảo sát tìm hiểu 21.000 người từ 27 vùng lãnh thổ, bao gồm 6 thị trường Đông Nam Á, Australia, Canada, Đức và Anh.

Số hóa

Kết quả khảo sát là bằng chứng cho sự xâm nhập của công nghệ kỹ thuật số vào mọi khía cạnh trong cuộc sống người tiêu dùng. “Ví dụ, tỷ lệ người tham gia khảo sát mua hàng trực tuyến hàng tuần hoặc thường xuyên hơn đã tăng 5% qua từng năm, lên 31%, và tỷ lệ người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến giảm 3%”, bản báo cáo cho biết.

Các kết quả cũng khẳng định điện thoại thông minh đã trở thành công nghệ tất yếu cho mua sắm trực tuyến, với 24% người dân toàn thế giới sử dụng điện thoại di động để mua sắm ít nhất một lần mỗi tuần, so với 23% sử dụng máy tính bàn và 16% sử dụng máy tính bảng.

Khi người tiêu dùng trở nên quen thuộc và tin tưởng hơn vào công nghệ kỹ thuật số, họ cũng sử dụng các dịch vụ khác qua mạng. Hơn một nửa (51%) người tham gia khảo sát đã thanh toán hóa đơn trực tuyến trong năm 2018 và tỷ lệ chuyển tiền trực tuyến cũng tương tự. Truyền hình cáp không còn phổ biến, với 54% người tham gia khảo sát xem phim và các chương trình TV trực tuyến 2 lần mỗi tuần hoặc hơn. Thế hệ Z, năm sinh từ khoảng giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000, dẫn đầu xu thế này.

Hơn 50% cho biết họ xem các chương trình giải trí trực tuyến một lần mỗi ngày hoặc thường xuyên hơn. Nhiều khách hàng trẻ tuổi cũng chọn lên mạng đầu tiên để xem tin tức và các vấn đề thời sự và 39% trong số đó cho biết họ truy cập thẳng tới mạng xã hội để biết thông tin, so với 25% nói chung.

Theo Minh Ngọc
NDH
0 Nhận xét