Giải bài toán tài chính trong khởi nghiệp - Nguyên nhân dẫn đến thất bại lớn nhất của các startup

Trong giới doanh nhân chắc hẳn mọi người còn không lạ gì đến tỉ lệ thất bại quá cao của các doanh nghiệp startup. Điều đáng buồn khi chúng ta sàng lọc lâm sàng những cái chết yểu này, bạn sẽ tự nhận thấy được họ đều có những ý tưởng tuyệt vời.
Vậy tại sao các startup xây dựng trên nền tảng ý tưởng tuyệt vời vẫn thất bại? Câu trả lời rất đơn giản. Có một ý tưởng khởi nghiệp và biết cách điều hành một doanh nghiệp là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Lí do các startup thất bại phần lớn xoay quanh hai điều -- kĩ năng quản trị và kĩ năng tài chính. Làm không tốt một trong hai thứ có thể giết chết doanh nghiệp của bạn.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tập trung vào lí do tài chính. Hãy đặt giả thiết rằng doanh nghiệp của bạn có nguồn vốn đủ mạnh để chi trả cho bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên nếu bạn không có tính kỉ luật cao và chi tiêu có bài bản, thì cho dù bao nhiêu tiền cũng là vô ích.

Dưới đây là một vài mẹo giúp cho startup của chúng ta duy trì được dòng tiền tốt, tăng cường biên lợi nhuận, vượt qua giai đoạn đầu tiên và cũng là khó khăn nhất trong vòng đời của một doanh nghiệp mới mở.

1. Hoãn lại việc thưởng cho nhân viên của bạn

Tự bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp đã là nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều người rồi. Hãy nghĩ xem mọi thứ sẽ tồi tệ thế nào nếu bạn bỏ ra một lượng tiền đáng quý và khổng lồ trong giai đoạn đầu chi trả lương thưởng cho nhân viên. Đây là giai đoạn mà từng đồng cũng đáng chắt chiu. Bạn sẽ tránh được thâm hụt vốn đáng kể nếu trì hoãn lại việc trả lương thưởng này. Hãy đặt ra mức lương hợp lý và thương lượng với nhân viên vì lợi ích sống còn của doanh nghiệp.

2. Tách riêng tài chính cá nhân và tài chính của doanh nghiệp

Bạn là người sáng lập. Điều này có nghĩa là bạn sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều người mắc phải sai lầm tai hại nếu họ lồng ghép tài chính cá nhân với tài chính của công ty.

Đây là hai thứ luôn luôn phải được tách rời. Tiền kiếm được từ doanh nghiệp là để duy trì và phát triển công ty. Nếu bạn xem hai thứ là một, bạn sẽ tự động coi doanh nghiệp này là một thứ phục vụ lợi ích và túi tiền cá nhân của chính bạn.

Điều bạn có thể làm là có một mục về lương thưởng cho chính mình như đối với các nhân viên khác. Điều này sẽ đảm bảo bạn vẫn kiếm được tiền từ công việc kinh doanh đồng thời tránh làm thâm hụt vốn của công ty.

3. Hãy mua rẻ bằng các loại phiếu giảm giá (coupon)

Đừng bao giờ mua thứ gì bởi vì bạn cho rằng bạn có đủ khả năng chi tiền cho thứ đó. Hãy tạo thói quen quan sát trước khi mua hàng - đặc biệt là mua hàng online - để chắc chắn rằng bạn mua bằng một mức giá và hậu mãi tốt nhất.

Một cách để mua hàng với giá rẻ hơn là dùng phiếu giảm giá. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản khổng lồ, bởi chi tiêu cho doanh nghiệp thường là những khoản rất lớn, đặc biệt là với những lần mua quan trọng. Và rồi khoản tiền tiết kiệm được sẽ giúp nhà điều hành dễ thở hơn nhiều với bao nhiêu chi tiêu tiếp theo nữa.

4. Tạm quên bất động sản đi

Bạn không cần một văn phòng hoàng tráng để dẫn dắt thành công một startup. Rất nhiều doanh nghiệp khổng lồ hiện nay bắt đầu trong những địa điểm khiêm tốn nhất. Hãy cứ nhìn vào các nhà sáng lập của Apple hay Google ấy.

Đừng tiêu những đồng vốn quý báu vào bất động sản, đây là những thứ không đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Bạn có thể biến một phần của nhà hay bất kể không gian trống nào khác bạn có thành một văn phòng.

Hãy để doanh nghiệp phát triển và mở rộng từ cốt lõi, thời cơ để bắt đầu đầu tư vào bất động sản sẽ đến và bạn sẽ nhận ra. Khi đó bạn sẽ chi trả cho văn phòng sang trọng của mình mà không lo nó sẽ trở thành gánh nặng trong bản cân đối kế toán của bạn.

5. Mua bảo hiểm cho những con người chủ chốt

Trong mỗi một doanh nghiệp, bạn sẽ để ý thấy có những con người nhất định ảnh hưởng đến sự sống còn của công ty. Vậy nên một trong những cách bảo vệ doanh nghiệp còn non nớt của mình là mua cho họ bảo hiểm, bạn cũng sẽ có một phần bảo hiểm cho riêng mình.

Đây là thứ quan trọng sẽ che chở cho những con người chủ chốt nếu bất cứ điều gì không hay xảy ra mà tước đi khả năng làm việc của họ, doanh nghiệp sẽ có những lựa chọn thay thế khác thay vì đệ đơn xin phá sản.

Bảo hiểm khi đó sẽ chi trả cho các chi phí hoạt động cũng như các khoản nợ cho doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp tìm được một người khác thay thế.

Khả năng điều hành doanh nghiệp song song với tính kỉ luật cao trong việc quản lí tài chính là yếu tố sống còn trong một doanh nghiệp còn non nớt. Bởi tài chính là mạch máu của doanh nghiệp, mọi doanh nhân nên tập trung và biết cách làm thế nào để ngân sách của mình vận hành một cách hiệu quả nhất.

Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét