Vì sao Trung Quốc ngưng mua sầu riêng Việt Nam?

(TBKTSG Online) – Trung Quốc ngưng mua khiến sầu riêng Việt Nam rớt giá mạnh là có thật, nhưng câu hỏi được đặt ra là vì sao họ ngưng nhập khẩu loại trái cây này của Việt Nam?
Khách hàng mua sầu riêng chụp ảnh kỷ niệm tại một điểm bán. Ảnh: Trung Chánh
Thời gian gần đây, giá sầu riêng được thương lái mua tại vườn của nông dân ở các địa phương như Tiền Giang, Vĩnh Long đã giảm xuống mức chỉ còn 35.000- 40.000 đồng/kg so với mức giá trên dưới 80.000 đồng/kg ở thời điểm trước đó không lâu, thậm chí có lúc giá sầu riêng đạt mức xấp xỉ 100.000 đồng/kg.

Lý do khiến giá sầu riêng sụt giảm mạnh được xác định là thị trường Trung Quốc ngưng nhập khẩu loại trái cây này từ Việt Nam, trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ chính.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết sầu riêng của Việt Nam chưa được Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch, nhưng thời gian qua, loại trái cây này vẫn đóng container và xuất khẩu vào Trung Quốc bằng các cửa khẩu chính (giống xuất khẩu chính ngạch) nhờ “mượn danh” sầu riêng monthong của Thái Lan.

Tuy nhiên, chính sách hiện thời của Thái Lan là không bán sản phẩm giá trị thấp, số lượng nhiều cho thị trường Trung Quốc nữa, mà tập trung vào hàng chất lượng cao, có giá trị lợi nhuận lớn. Vì vậy, Thái Lan giảm cung sầu riêng cho Trung Quốc.

“Khi Thái Lan giảm cung, Trung Quốc mới chạy qua mua sầu riêng của Việt Nam. Nhưng điều này cũng dẫn đến việc Thái Lan 'phàn nàn' rằng với Trung Quốc Việt Nam chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này”, ông Lập cho biết.

Từ nguyên nhân đó, theo ông Lập, Trung Quốc đã “siết” nhập khẩu tiểu ngạch, kiểm soát gắt gao hơn đối với sầu riêng của Việt Nam, làm giá sầu riêng nội địa rớt mạnh như nêu ở trên.

Theo ông, hiện sầu riêng Việt Nam không thể qua Trung Quốc bằng cửa khẩu lớn nhờ “mượn danh” sầu riêng monthong của Thái Lan được nữa, mà chỉ có thể xuất khẩu bằng các lối đi nhỏ, một hình thức giao thương của người dân giữa hai bên biên giới, với hạn mức tối đa 30 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu bằng các lối đi nhỏ, không thể đi bằng xe container, mà bắt buộc phải “chẻ” hàng sang những xe nhỏ 1 tấn chứa đựng nhiều rủi ro và làm tăng chi phí.

“Làm như vậy thụ động hoàn toàn. Khi phải chuyển hàng sang xe nhỏ, rồi thuê xe nhỏ đem qua bên kia biên giới, chi phí đội lên rất nhiều trong khi lượng tiêu thụ theo con đường này cũng không đáng kể”, ông nói.

Trung Chánh
0 Nhận xét